1.Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Một người có thể bị 4 lần sốt xuất huyết trong đời
Nhiều người vẫn hay nghĩ, mắc sốt xuất huyết một lần rồi sẽ không bao giờ bị mắc tiếp. Nhưng không phải như vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Thậm chí, lần mắc sốt xuất huyết sau có thể nặng hơn lần mắc trước.
Bởi virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.
Lưu ý rằng, không chỉ trẻ em mới mắc sốt xuất huyết. Người già, trẻ nhỏ hay thanh niên, bất kể đối tượng nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết.
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cư trú ở môi trường nước sạch để lâu ngày như lọ hoa, chậu cây thuỷ sinh...
2.Ngày nguy hiểm của bệnh là ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt)
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng rằng, 3 ngày đầu này là 3 ngày nguy hiểm. Bởi theo quy luật của sốt xuất huyết, trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, kèm theo đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất đối với người bệnh. Người bệnh vẫn có thể điều trị tại nhà trong 3 ngày đầu này.
Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) mới là thời điểm nguy hiểm nhất của người bệnh. Người bệnh tuy không còn sốt cao như 3 ngày trước nhưng có thể gặp những biến chứng nặng.
Biến chứng thứ nhất: Là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này. Tình trạng bệnh sẽ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không.
Nếu người bệnh bị thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ có thể không nhận rõ những dấu hiệu này mà có thể chỉ thấy trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Khi thấy các dấu hiệu này, cần phải đến cơ sở y tế gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.
3 . Tuyệt đối không uống aspirin và ibuprofen khi có nghi ngờ mắc sốt xuất huyết
Trong 3 ngày đầu của bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện những triệu chứng như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt... , đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Lý do bởi: Bệnh sốt xuất huyết Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, các cơ quan bên trong cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ, người bệnh sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng, người bệnh sẽ bị chảy máu răng, chảy máu cam, nôn ra máu hoặc phân có màu đen.
Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ làm loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, nôn ra máu.
Do vậy, tuyệt đối không được uống aspirin và ibuprofen khi có nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết.
4. Muỗi vằn truyền bệnh cư trú ở môi trường nước trong để lâu ngày
Mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi mất vệ sinh như: cống rãnh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải, muỗi vằn truyền bệnh vẫn được gọi là "muỗi nhà vua" bởi nó cư trú ở môi trường nước sạch để lâu ngày.
Muỗi vằn có thể cư trú ở ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, hòn non bộ, bình cắm lọ hoa có nước lưu cữu, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ gạch, đá trên xóm ngõ hoặc sân thượng...
Vì vậy, cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu sẽ là môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn.
Lưu ý rằng, trên các nhà cao tầng cũng có muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, khi phun hóa chất diệt muỗi, cần phun ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác.
5. Đàn muỗi vằn vẫn có khả năng truyền bệnh ở những nơi đã phun thuốc muỗi
Nhiều người nghĩ rằng gia đình đã từng phun thuốc diệt muỗi là vĩnh viễn muỗi sẽ không xuất hiện trở lại trong thời gian dài (một vài tháng). Điều đó là suy nghĩ không đúng. Bởi thuốc diệt muỗi được phun trong không gian dưới dạng phun sương ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ. Thuốc muỗi chỉ diệt được đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó.
Chỉ vài giờ sau khi phun thuốc muỗi, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết. Những đàn muỗi vằn khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho mọi người. Vậy nên, tại những nơi đã phun thuốc, con người vẫn có khả năng bị bệnh sốt xuất huyết.
Vì vậy, nếu phun thuốc muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết, cần phải phun tổng thể, đồng loạt ở cả cụm dân cư mới có tác dụng triệt để. Nhiều người dân nghĩ rằng gia đình đã từng phun hóa chất diệt muỗi cách đó một khoảng thời gian và khi vùng có dịch, nhân viên y tế tiếp tục tới phun thuốc nữa sẽ không cần thiết. Điều đó là quan niệm sai lầm.
Bởi nếu chỉ một hộ gia đình phun thuốc, có ý thức diệt loăng quăng, bọ gậy nhưng xóm ngõ vẫn để nhiều phế thải đọng nước mưa, các hộ gia đình khác không có ý thức phòng bệnh thì đàn muỗi mang mầm bệnh vẫn bay từ nhà này qua nhà khác và truyền bệnh.
Chỉ vài giờ sau khi phun thuốc muỗi, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết.
Cách tốt nhất để phòng chống sốt xuất huyết là diệt loăng quăng, bọ gậy và thường xuyên vệ sinh môi trường, không tạo môi trường nước đọng để muỗi vằn sinh sôi nảy nở.
6. Sau khi phun thuốc muỗi, không cần phải tránh xa quá lâu mới vào nhà
Thuốc phun diệt muỗi vằn hiện nay được Bộ Y tế sử dụng không gây độc đối với sức khỏe con người. Các sản phẩm diệt côn trùng hiện nay gồm ba nhóm: Nhóm có gốc clo hữu cơ, nhóm có gốc phốt pho hữu cơ và nhóm có gốc Pyrethrine. Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng là nhóm Pyrethrine, thuộc thế hệ mới nhất. Hiện các nước trên thế giới cũng đang sử dụng loại thuốc này.
Phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian nên việc lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe là lo lắng không có cơ sở.
Sau khi phun, người dân chỉ cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút là vào nhà an toàn. Với một số người có bệnh đường hô hấp hoặc trẻ nhỏ có dễ bị kích ứng (có thể bị ho) thì nên tránh ra ngoài lâu hơn từ 2 tới 3 tiếng sau đó vào nhà.
7. Một số biến chứng ở bệnh sốt xuất huyết
Biến chứng thứ 2: Xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện: chảy máu chân răng, chảy máu cam hay xuất huyết dưới da… Khi thấy các biểu hiện này, cần đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu để thầy thuốc cân nhắc truyền tiểu cầu.
Lưu ý, tất cả các bệnh viện địa phương đều có khả năng làm được điều trên, không nhất thiết phải đến tuyến Trung ương, mất thời gian, gây nguy hiểm cho bệnh nhân đồng thời quá tải cho bệnh viện nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Chỉ trong những trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và cho chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên bằng xe cứu thương.
-Bộ Y tế-