Trẻ em lứa tuổi học sinh rất hay ăn quà vặt, đặc biệt là các loại bánh, kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột. Sau khi ăn, trẻ không làm sạch ngay răng miệng, các mảng thức ăn còn sót lại trên răng lên men là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn răng miệng phát triển. Đa số trẻ không biết tự kiểm tra tình trạng răng của mình, chỉ đến khi đau, sưng, chảy máu, mới báo cho cha mẹ biết, lúc đó thường là răng đã sâu nhiều, lợi đã viêm nặng.
Bên cạnh đó, trong thời gian thay răng sữa, trẻ có thói quen lung lay răng mọi lúc mọi nơi. Rất có thể trẻ đã vô tình đưa vi khuẩn vào miệng qua bàn tay không vệ sinh vào chỗ răng bị lung lay đang bị tổn thương. Đây rất có thể là một yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm sưng lợi cũng như các vị trí khác trong khoang miệng.
Phòng bệnh răng miệng ở trẻ Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Đây là điều quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh về răng miệng. Hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách, vệ sinh răng sạch sẽ: Có thể dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng, đánh răng đúng cách bằng kem đánh răng và bàn chải mềm, sau bữa ăn. Không nên dùng tăm để xỉa răng, vì tăm sẽ dễ gây tổn thương nướu, sưng nướu, đau răng thứ phát không kiểm soát.
Dùng nước súc miệng
Nước muối Natri clorid 0,9% là nước súc miệng lành tính, nước súc miệng có chất phòng ngừa sâu răng sodium florie, nước súc miệng có hoạt chất bổ sung tái tạo men răng, làm tan các mảng bám như zin lactate... sẽ giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng.
Khám răng định kỳ
Cần cho trẻ đi khám răng miệng 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sớm các bệnh răng miệng. Lưu ý, khi trẻ thay răng không nên để trẻ tự nhổ hoặc nhổ răng tại nhà cho trẻ, tránh nhiễm khuẩn và chảy máu nặng, cần đến các phòng khám nha khoa.
Chế độ dinh dưỡng
Có chế độ ăn uống đầy đủ chất cần thiết cho sự phát triển hàm răng đẹp, khỏe của trẻ như: Canxi, các loại vitamin... Trong thời kỳ trẻ thay răng sữa sang răng vĩnh viễn, cũng cần bổ sung các chất cần thiết đó cho trẻ. Hạn chế không cho trẻ ăn quà vặt, nhất là đồ ăn sẵn, các thức ăn đường phố không hợp vệ sinh, thức ăn quá ngọt và nước giải khát có ga.
Tầm quan trọng của nha học đường
Nha học đường là những hoạt động về chăm sóc và phòng bệnh răng miệng cho học sinh tại trường học nhằm từng bước chăm sóc sức khoẻ răng miệng, hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh răng miệng cho học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung.
Nhà trường có vai trò chính trong việc giáo dục các kiến thức răng miệng cho học sinh. Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh răng miệng ở Việt Nam rất cao do các thói quen về vệ sinh chưa đúng. Các gia đình, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn không chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe cho các em. Bởi vậy nhà trường phải đóng vai trò chủ đạo trong việc nâng cao nhận thức của học sinh phòng tránh các bệnh về răng miệng.
Nhờ chương trình này, học sinh sẽ hiểu hơn về các kiến thức giáo dục chăm sóc sức khỏe răng miệng.Sau khi được tiếp thu những kiến thức đó, các thầy cô và cả các em học sinh sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để truyền đạt những kiến thức đó cho ông bà bố mẹ, cho cả cộng đồng.
Mặc dù, bệnh răng miệng không gây hậu quả chết người nhưng tỷ lệ mắc bệnh rất cao, nếu làm tốt công tác chăm sóc răng miệng từ đầu sẽ có một thế hệ thanh niên khoẻ mạnh không mắc bệnh răng miệng.