Hình ảnh chiếc bánh chưng vuông vắn với các nguyên liệu từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong… mang đậm nét đẹp Tết Việt và nền văn minh nông nghiệp lúa nước của ông cha ta từ ngàn xưa. Nếu như bánh giầy tượng trưng cho bầu trời thì bánh chưng lại biểu tượng cho mặt đất hiền hòa, nuôi sống biết bao thế hệ con người Việt Nam.
Sự tích bánh chưng còn gắn liền với câu chuyện vị con trai thứ 18 Lang Liêu vào thời Vua Hùng Vương thứ 6 dâng món bánh chưng, bánh giầy dân dã tượng trưng cho đất trời hòa hợp, được gói trong lá thể hiện công ơn sinh thành của cha mẹ, đầy tinh tế và ý nghĩa. Từ đó, cứ đến ngày Tết Nguyên đán hay các dịp lễ hội đặc biệt, cưới hỏi, thờ cúng... người dân lại nấu bánh chưng, bánh giầy để cúng Tổ tiên, Trời Đất, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn.
Tết đến xuân về, người Việt dù có xa xứ, có ở phương trời nào thì cũng không thể quên hình ảnh bánh chưng xanh bên cạnh cây mai, cành đào, dưa hấu đỏ, khay trà mứt, câu đối liễn mừng xuân trong không khí Tết cổ truyền. Nhà nào cũng háo hức chuẩn bị dăm ba cặp bánh chưng, bánh tét để chào đón năm mới.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"
chính vì lẽ đó ngoài việc gửi tới các bé và gia đình không khí của ngày tết nguyên đán, các cô giáo cũng mong các con biết và thêm yêu tết truyền thống qua sự tích chiếc bánh chưng xanh . Dưới đây là những hình ảnh háo hức, vui tươi của các con khi tận tay nhận được những món quà nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa dịp cuối năm.