Các bậc làm cha, làm mẹ luôn lo lắng cho con nhưng nhiều người chưa nhận thức đúng sự cần thiết phải dạy cho con kỹ năng phòng chống xâm hại.
Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trung bình cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Tuy nhiên, những con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn nhiều vụ việc khác đã rơi vào quên lãng do nạn nhân không thể lên tiếng vì nhiều lý do. Điều đáng nói là độ tuổi của trẻ bị xâm hại đang ngày càng giảm, đã có những vụ xảy ra với trẻ chỉ từ 5-13 tuổi.
Phụ huynh luôn cố gắng tạo cho con môi trường sống tốt nhất nhưng thống kê còn chỉ ra rằng phần lớn những kẻ xâm hại lại là người thân quen.
Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em CAIP đã ghi nhận những trường hợp các con bị quấy rối, bị xâm hại công khai mà không hề hay biết. Đối tượng đã lợi dụng những hành động như nhìn, ôm hay nắm tay để tiếp cận con. Con không có phản ứng lại vì cho rằng đó là những hành động quan tâm, chăm sóc.
Phải làm gì để giúp con biết cách tự bảo vệ bản thân?
Những quy tắc vàng giúp trẻ phòng tránh xâm hại
Trẻ cần được học cách nhận thức được các mối nguy hiểm. Trước hết các con cần biết đặt ra những giới hạn giữa bản thân và những người xung quanh thông qua Quy tắc 5 ngón tay và Quy tắc đồ bơi. Với bố mẹ có thể được ôm; người thân khác trong gia đình có thể được nắm tay; còn người lạ đến gần thì phải xua tay giữ khoảng cách. Ngoài ra, có những vùng nhạy cảm trên cơ thể con không được phép để người khác chạm vào hay nhìn thấy, nếu xảy ra hiện tượng như vậy cần có phản ứng từ chối và báo lại với người lớn. Đây là những quy tắc đơn giản nhưng có thể giúp trẻ tự biết cách bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại và bắt cóc.
Để giúp con có những kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại, các bậc làm cha, làm mẹ có thể cho con tham dự miễn phí khóa học Phòng chống xâm hại trẻ em tại số 1 Hoàng Đạo Thúy, do Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em CAIP tổ chức.
Luyện tập phản kháng tại lớp học kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em
Chỉ phòng thôi chưa đủ, con cần biết cách xử lý khi khi đối tượng xấu có hành vi xâm hại, quấy rối. Trước hết, các con cần la hét thật lớn để gây sự chú ý đến những người xung quanh. Không chỉ la hét, con cần đồng thời có hành động phản kháng, kéo dài thời gian và chạy thoát thân.