Tại sao trẻ hung hăng ?
Không một đứa trẻ nào sinh ra với bản tính hung hăng, nó chỉ được “nuôi dưỡng và phát triển” trong một môi trường mà sự quát mắng, thờ ơ và bạo lực là thường xuyên. Khi con người gặp sự nguy hiểm và căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra chất Cortisol một cách tự nhiên và nó sẽ khiến cho cơ thể có những phản ứng mạnh mẽ hơn để vượt qua những nguy hiểm bên ngoài. Khi trẻ con bị kích thích bằng đòn roi, quát mắng, thờ ơ, mỉa mai, trêu chọc…cơ thể chúng sẽ tiết ra chất này và nếu lập lại thường xuyên, thì cortisol sẽ khiến cho trẻ có những cơn giận dữ, lo lắng và những hành vi hung bạo mà chính bản thân chúng không kiểm soát được.
Cách tốt nhất để ngăn chặn những hành động hung hăng của trẻ là tạo cho chúng một tổ ấm vững chắc, ổn định cùng với sự rèn luyện kỷ cương trong yêu thương nhưng vẫn kiên quyết và sự chăm sóc tốt trong lứa tuổi chập chững hay mới vào mẫu giáo. Những người chăm sóc cho con bạn cũng cần biết và thống nhất những quy tắc bạn đặt ra cũng như giải pháp phải thực hiện khi chúng không vâng lời. Mỗi khi trẻ vi phạm một quy tắc quan trọng nào đó, chúng cần phải được khiển trách ngay, nhưng điều quan trọng là chúng ta khiển trách hành vi sai trái, chứ không phê phán bản thân đứa trẻ làm điều đó.
Những điều bạn có thể làm
Trẻ con tất nhiên sẽ không biết những quy tắc trong nhà đến khi chúng được dạy những điều đó, cho nên, đây là một trong những trách nhiệm quan trọng của bố mẹ. Những đứa trẻ mới biết đi thường thích chạm vào và khám phá mọi thứ. Vậy nên, hãy cất những vật dễ vỡ hay quý giá mà bạn không muốn chúng sờ mó ở một nơi an toàn. Bố mẹ nên tạo một không gian cho con, nơi trẻ có thể chơi với sách tô màu và đồ chơi của chúng.
Việc rèn luyện kỷ cương chỉ đạt hiệu quả tốt nhất khi được tiến hành một cách liên tục chứ không phải chỉ khi trẻ cư xử sai. Hãy bắt đầu từ việc mỉm cười với con, và sau đó tiếp tục yêu thương, khen ngợi một cách thẳng thắn khi chúng có hành động đứng đắn và phù hợp. Theo thời gian, một khi đứa trẻ đã có cảm giác được khuyến khích và tôn trọng, hơn là phải cam chịu và bị xấu hổ, khả năng chúng sẽ lắng nghe, học hỏi và thay đổi khi cần thiết sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu chúng ta khuyến khích những hành vi tích cực mà trẻ mong muốn và hướng dẫn chúng những cách ứng xử tốt thì sẽ có tác dụng hơn hẳn những lời trách móc hay sự trừng phạt.
Trong thời gian dạy con cách hành xử, bạn cũng có thể làm chúng phân tâm một thời gian hay thử một cách tiếp cận mới. Miễn là đừng “dụ dỗ” con để chúng cư xử khác đi bằng bánh kẹo, ví dụ như, bạn có thể cố ý làm chúng xao nhãng.
Hãy nhớ rằng, con bạn còn nhỏ và thường khó giữ được bình tĩnh mỗi khi gặp chuyện. Do đó, bạn cần phải dạy chúng rằng không được đấm đá hay cắn ai mỗi khi giận giỗi mà thay vào đó là thể hiện cảm xúc của mình qua lời nói. Việc dạy cho trẻ cách phân biệt giữa sự xúc phạm thật sự và tưởng tượng, cũng như giữa chuyện bảo vệ cho lý lẽ của mình và tấn công người khác là rất quan trọng. Cách tốt nhất để truyền tải những bài học này là luôn giám sát một cách cẩn thận mỗi khi chúng dính dáng đến việc cãi cọ với bạn cùng chơi. Nếu đó chỉ là cuộc tranh cãi nhỏ thì bạn có thể giữ khoảng cách và để đứa trẻ tự giải quyết theo cách của nó. Tuy nhiên, bạn cần phải vào can thiệp ngay một khi chúng lao vào đánh nhau và vẫn tiếp tục ngay cả khi được bảo phải dừng lại, hoặc khi một trong số chúng không kiềm chế được sự tức giận và tấn công hay cắn một đứa trẻ khác. Kéo những đứa trẻ khỏi nhau và giữ khoảng cách giữa chúng cho đến khi tất cả đã lấy lại bình trĩnh. Nếu trận đánh thật sự thô bạo, bạn có thể phải chấm dứt buổi chơi ngày hôm đó. Hãy thể hiện quan điểm rõ ràng rằng việc ai “khơi mào”trước là không quan trọng và không có lý do gì để đánh nhau cả.
Để ngăn ngừa và giảm đến đến mức tối thiểu những tình huống nguy hiểm, hãy hướng dẫn con bạn cách đương đầu với sự tức giận của chúng mà không cần dùng đến các hành động thô bạo. Hãy dạy con bạn nói “không” một cách kiên quyết, quay lưng đi hoặc tìm cách hòa giải với bạn thay vì đánh nhau. Ví dụ như dạy chúng rằng việc dàn xếp bất đồng bằng lời nói sẽ có hiệu quả và lịch sự hơn là sử dụng đến bạo lực. Khen ngợi trẻ khi trẻ có hành động đúng và nói rằng chúng đã “chững chạc” thế nào khi sử dụng những cách thức này để giải quyết vấn đề thay vì cắn hay đấm đá nhau. Hãy luôn ủng hộ và có lời khen khi chúng thể hiện lòng tốt và sự hòa nhã với người khác.
Cũng không có gì sai khi bạn quyết định phạt ngừng cho trẻ chơi và cách ly khi chúng có những hành động không chấp nhận được, và cách này có thể áp dụng cho trẻ dưới một tuổi. Tuy nhiên, đây chỉ nên là biện pháp cuối cùng. Những điều bạn cần làm chỉ là bắt chúng ngồi yên một chỗ hay đến nơi nào đó “nhàm chán” và không có thứ gì để chơi cả. Thực chất, mục đích của hành động này là giúp chúng nhận ra hành vi sai trái của mình và cho chúng một thời gian để dịu lại. Hãy giải thích với đứa trẻ một cách ngắn gọn điều bạn đang làm và lý do, nhưng tuyệt đối không diễn thuyết dài dòng. Khi con bạn còn nhỏ, việc cách ly chỉ nên chấm dứt khi chúng đã lấy lại bình tĩnh, ngồi yên và giữ trật tự. Kết thúc cách ly khi trẻ đã chịu ngồi yên, giữ im lặng và tiếp tục cư xử tử tế sẽ giúp chúng biết được rằng việc phạt cách ly nghĩa là “ngồi yên và giữ trật tự”. Một khi đứa trẻ đã học được cách tự lấy lại bình tĩnh, bạn nên đặt ra một quy định về thời gian cho những lần phạt cách ly. Hãy tính một tuổi của trẻ là một phút, do đó, một đứa trẻ 3 tuổi nên bị phạt cách ly trong 3 phút. Bên cạnh việc trừng phạt khi con hư, bạn cũng nên có những phần thưởng nhỏ mỗi khi chúng làm điều gì đúng và dành cho chúng sự quan tâm đầy đủ hơn.
Hãy luôn cẩn thận hành vi của bạn trước mặt con trẻ. Vì một trong những cách dạy con cư xử tốt nhất là kiểm soát hành động của chính mình. Nếu bạn thể hiện sự tức giận của mình của mình một cách trầm tĩnh, hòa nhã thì đứa trẻ nhất định sẽ noi theo bạn. Khi bạn bắt buộc phải phạt bé, đừng cảm thấy tội lỗi vì điều đó, và dứt khoát đừng xin lỗi chúng. Vì nếu đứa trẻ cảm nhận được sự bối rối của bạn, chúng sẽ tự nhủ rằng mình đã làm đúng và chính bạn mới là người sai. Mặc dù việc phạt con chẳng bao giờ mang lại cảm giác dễ chịu, nhưng đó là một phần rất cần thiết của bổn phận làm cha mẹ, vì vậy, không có lý do gì để cảm thấy tội lỗi cả. Con bạn cần phải hiểu điều đó khi trẻ làm việc gì sai, có như thế chúng mới có thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình và sẵn lòng chấp nhận hậu quả của nó.
Lê Khoa ( ST – Internet )