NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH THỦY ĐẬU Ở TRẺ EM
Thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ ở trẻ là một bệnh truyền nhiễm mà mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải. Nguyên nhân chính gây ra thủy đậu ở trẻ em là do hệ miễn dịch của trẻ yếu, dễ bị lây lan từ những người đang mắc bệnh. Bởi có thể trẻ đã:
- Hít phải nước bọt bắn ra khi ho, hắt hơi từ bệnh nhân thủy đậu, khiến virut lây qua đường hô hấp.
- Tiếp xúc trực tiếp với người đang bị bệnh và lây thủy đậu từ bóng nước bị vỡ, vùng da tổn thương.
- Lây truyền từ mẹ qua nhau thai do trong quá trình mang thai mẹ bị thủy đậu
TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP KHI TRẺ MẮC THỦY ĐẬU
Thông thường khi mắc thủy đậu trẻ sẽ có những triệu chứng khá đặc trưng, cha mẹ hãy lưu ý để có thể phát hiện sớm tình trạng thủy đậu và có cách điều trị hiệu quả, kịp thời. Một số dấu hiệu phổ biến như:
Triệu chứng ban đầu là trẻ bị sốt nhẹ, đau đầu, người mệt mỏi, chán ăn. Một số trường hợp có thể không có tình trạng này.
Tiếp theo, trong vòng 12 – 24 giờ, trẻ bắt đầu xuất hiện các mụn nước khắp cơ thể, mụn nước ở đầu, mặt, tay, chân, miệng, lưng… có màu trong, sau đó có thể chuyển sang màu đục, gây ngứa nhiều. Nếu sau 2 ngày, mà thủy đậu nổi ngày càng nhiều thì đây chính là cảnh báo bệnh đang diễn biến ngày càng nặng hơn.
Sốt nhẹ và nổi mụn nước đỏ là triệu chứng thường gặp khi trẻ bị thủy đậu.
Cuối cùng, sau khi mọc các nốt đậu, trẻ thường hạ sốt khá nhanh. Trong vài ngày các bóng nước sẽ tự động khô và bong vảy nếu không xuất hiện biến chứng. Những nốt mụn sẽ để lại sẹo mờ, thậm chí là sẹo lớn nếu mụn nước lớn bị nhiễm trùng. Thủy đậu ở trẻ em cần từ 7- 10 ngày mới khỏi hoàn toàn.
BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH THỦY ĐẬU ĐỐI VỚI TRẺ
Thủy đậu là một bệnh lành tính, nếu phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách thì sẽ nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, một số trường hợp thủy đậu cũng gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với trẻ như:
- Viêm phổi nặng, viêm phổi do biến chứng thủy đậu thường rất khó điều trị.
- Nhiễm trùng nốt mụn, để lại sẹo lõm, sẹo lớn trên cơ thể trẻ, đặc biệt là mặt, gây mất thẩm mỹ, khiến trẻ hay tự ti khi lớn lên.
- Viêm màng não, xuất huyết não, viêm não, khiến trẻ mang các di chứng về thần kinh lâu dài như điếc, động kinh, chậm phát triển…
- Nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan, khó điều trị, khiến trẻ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
- Thủy đậu ở trẻ em có thể gây tử vong nếu không cấp cứu điều trị kịp thời khi có biến chứng xảy ra.
Thủy đậu ở trẻ em có thể gây biến chứng nặng nề nếu không điều trị kịp thời và đúng cách.
NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN LÀM KHI TRẺ BỊ THỦY ĐẬU
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thủy đậu ở trẻ cần có biện pháp chữa trị khoa học mới đảm bảo an toàn và hiệu quả phục hồi, tránh những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ không được chủ quan khi phát hiện con mình bị thủy đậu, tốt nhất hãy tuân thủ một số nguyên tắc sau:
NÊN cách ly trẻ ra khỏi những người khác để tránh lây nhiễm từ 7 – 10 ngày đến khi hết bệnh. Cắt ngắn móng tay cho trẻ để tránh trẻ cào làm rách mụn nước. Bổ sung thêm vitamin C cho trẻ, cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ cho bé bằng cách lau người bằng nước ấm, tránh để trẻ ra gió nhiều.
Cha mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng dung dịch xanh Methylene để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ của trẻ để giúp mụn nước nhanh khô, tránh sẹo xấu.
Khi phát hiện trẻ mắc thủy đậu, tốt nhất phụ huynh NÊN nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám và nhận chỉ định điều trị an toàn. Đừng kéo dài thời gian, nếu không sẽ dễ khiến bệnh tiến triển nặng.
KHÔNG NÊN tự ý điều trị cho trẻ bằng liệu pháp dân gian tại nhà, không cho trẻ sử dụng bất cứ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ.
Đặc biệt, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay nếu trẻ sốt cao liên tục nhiều ngày không giảm hay các nốt thủy đậu không khô mà nổi to hơn, gây đau rát, khó chịu cho trẻ.
Thông thường thì mỗi người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời, nhưng cũng không loại trừ trường hợp mắc lần hai nên cha mẹ hãy lưu ý chích ngừa cho trẻ và tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh.