Một tuần rét đậm, trẻ nhỏ có nguy cơ ốm vì đi học
Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn đợt rét đậm, rét hại sẽ kéo dài từ ngày 9 đến 14/1 với nền nhiệt phổ biến 9-11 độ C, kèm mưa rải rác tại khu vực Bắc Bộ, lan xuống các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Việc nhiệt độ giảm mạnh gây rét liên tục những ngày qua đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống của người dân.
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản gửi phòng giáo dục các quận, huyện, thị xã cũng như các trường học về vấn đề chủ động lịch học cho học sinh trong những ngày giá rét nhằm đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh.
Nội dung công văn nêu rõ, căn cứ vào tình hình thời tiết thực tế, các trường học chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học. Với cấp mầm non, tiểu học, nhà trường có thể cho nghỉ khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống. Học sinh THCS có thể được nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C.
Tuy nhiên, nếu nhiệt độ trên 10 độ C trẻ vẫn phải đi học hoặc thậm chí nhiều gia đình cho con học các trường tư thục vẫn phải chấp nhận đưa con đến trường vì gia đình không có người trông nhỏ, trong khi bố mẹ không thể nghỉ làm trông con.
Dưới đây là một số lưu ý dành cho các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đến trường nói riêng và ra ngoài đường nói chung trong thời tiết lạnh trên dưới 10 độ C.
Chuẩn bị quần áo nguyên tắc 4 ấm 1 lạnh
Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, kết hợp mưa rét, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo phù hợp với quy tắc '4 ấm – 1 lạnh'.
'4 ấm' là giữ ấm bụng, chân, tay và lưng: Khi mặc quần áo cho trẻ xong mẹ cần phải kiểm tra lại những vị trí này xem đã đủ ấm chưa. Chân tay của trẻ không nên để ẩm ướt mồ hôi, đặc biệt là chân là nơi chứa nhiều mạch và huyệt đạo rất nhạy cảm, chân lạnh cũng có thể khiến bé mắc các bệnh đường hô hấp.
Phần lưng của trẻ nhỏ đặc biệt dễ đổ mồ hôi, mồ hôi thấm ngược có thể làm trẻ nhiễm lạnh. Nếu bụng và dạ dày của trẻ bị lạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và việc hấp thụ thức ăn bình thường của trẻ.
'1 lạnh' là để hở phần đầu của trẻ: Nếu trẻ chơi trong nhà, các mẹ không nên trùm đầu kín mít cho trẻ nên để trẻ thoải mái. Mặc quá nhiều, trùm quá kín bé có nguy cơ bị sốt vì thân nhiệt tăng cao.
Việc đưa trẻ đến trường trong những ngày lạnh giá luôn khiến nhiều bố mẹ lo lắng (Ảnh minh họa: Internet)
Ngoài ra các phụ kiện như găng tay, tất chân, khẩu trang, giầy giữ ấm, mũ đội đầu… cũng không thể thiếu khi đưa trẻ đi học hoặc ra ngoài chơi. Nên hơ ấm đồ trước khi mặc cho trẻ để tránh trẻ bị lạnh đột ngột.
Thời tiết lạnh còn có thể kèm theo mưa rét buốt, thậm chí mưa rào nặng hạt. Vì thế, khi đưa trẻ đi học, bố mẹ cố gắng cho trẻ đi ô tô, hoặc taxi. Nếu đi bằng xe máy, xe đạp hoặc đi bộ thì phải đảm bảo trẻ không bị ướt, quần áo không bị ngấm nước mưa. Ngoài quần áo mưa thì bố mẹ có thể chuẩn bị túi nilong để chùm tay và chân cho trẻ.
Có thể cho trẻ vận động ngoài trời
Khi đến trường, cần kiểm tra xem trẻ có bị lạnh hoặc bị nóng toát mồ hôi hay bị ướt nước mưa hay không. Nếu trẻ bị lạnh thì đưa trẻ vào ngay lớp học kín gió, bị ướt thì thay quần áo ngoài và mặc thêm quần áo khô. Đôi khi bố mẹ quá lo lắng lại mặc cho trẻ khiến trẻ nóng, toát mồ hôi ở lưng. Bố mẹ phải cởi bớt áo khoác ngoài và thấm mồ hôi cho trẻ.
Nếu trời khô ráo và không mưa thì bố mẹ và giáo viên không nhất thiết phải bắt trẻ chỉ ở trong lớp. Có thể cho trẻ ra ngoài trời vận động, chơi đùa. Các hoạt động ngoài trời giúp trẻ khỏe mạnh, chịu lạnh tốt hơn và tăng sức đề kháng.
Tuy nhiên, phải theo dõi sát các biểu hiện thân nhiệt của trẻ để kịp thời điều chỉnh. Khi chơi đùa không bắt trẻ mặc quá nhiều quấn áo sẽ cản trở hoạt động và cảm thấy nóng. Khi trẻ chơi xong, trở lại lớp thì từ từ mặc thêm dần áo phù hợp với sự nóng, lạnh của cơ thể trẻ. Với trẻ ốm yếu, có sẵn một số bệnh lý thì chỉ nên ở trong lớp ấm áp.
Dù chơi lạnh nhưng trẻ vẫn có thể hoạt động, vui chơi ngoài trời (Ảnh minh họa: Internet)
Chăm sóc trẻ trong thời tiết lạnh giá
Trẻ rất dễ bị ốm, nhiễm lạnh, mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa khi nhiệt độ giảm sâu. Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ để trẻ khỏe mạnh. Dù thời tiết lạnh nhưng trẻ cũng cần được vệ sinh cơ thể hàng ngày. Không nhất thiết phải ngày nào cũng tắm nhưng bố mẹ hãy lấy khăn ấm lau người cho trẻ.
Thời tiết lạnh, khô hanh trẻ cần phải uống nhiều nước. Nên cho trẻ uống nước ấm và không ăn các thực phẩm mới lấy từ tủ lạnh. Thực đơn hàng ngày phải đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là rau xanh và trái cây.
Cha mẹ cần sắp xếp thời gian để đưa đón trẻ đi học, nên đón con đúng giờ, tránh để trẻ chờ đợi ngoài trời khi chiều muộn, nhiệt độ càng xuống thấp. Có thể sắp xếp thời gian đi làm muộn hơn thường ngày để cho không phải theo cha mẹ dậy quá sớm vào lớp, trẻ nhỏ có thể sốc nhiệt nếu cơ thể yếu ớt, có bệnh mãn tính nên khó thích ứng với điều kiện thời tiết lạnh giá.
Nhắc nhở trẻ vệ sinh cá nhân, ăn uống nhanh chóng, làm bài tập trước 9 giờ tối để nghỉ ngơi, không thức đêm, học đêm quá muộn.
Các gia đình sinh sống tại khu vực nhiệt độ hạ thấp dưới 10 độ cần lưu ý:
- Cha mẹ cần chủ động theo dõi nhiệt độ thời tiết trong ngày qua bản tin thời sự để cân nhắc có nên đưa trẻ tới trường hay không. Bố trí người lớn ở nhà để trông giữ trẻ, tránh để trẻ đi học nhưng không đảm bảo sức khỏe.
- Khi sử dụng các loại đèn sưởi, máy sưởi hoặc điều hòa sưởi ấm trong nhà có trẻ nhỏ, chỉ nên dùng làm ấm phòng trong một thời gian nhất định 1-2 tiếng rồi để máy nghỉ. Ngoài ra, không được đóng kín phòng khi bật hệ thống sưởi vì sẽ gây hiện tượng khô da, mất nước hoặc khó thở cho trẻ.
- Với khu vực vùng núi, địa hình phức tạp cha mẹ nên để trẻ tạm thời nghỉ học tránh rét đề phòng nguy hiểm trên đường đi học của bé. Các gia đình sử dụng than sưởi, chỉ nên dùng trong 1 tiếng sau đó phải tắt bếp ngay.